Ma trận BCG là gì? 5 bước ứng dụng BCG trong lập chiến lược

Theo dõi GOBRANDING trên

Ma trận BCG hay còn gọi là ma trận Boston. Đây là một công cụ phân tích chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp thông qua các danh mục sản phẩm. Hãy cùng GOBRANDING tìm hiểu rõ hơn về ma trận BCG là gì, những phân tích ma trận, ưu nhược điểm và một số ví dụ thực tiễn thông qua bài viết dưới đây nhé!

I. Ma trận BCG là gì?

Ma trận BCG (BCG Matrix) là viết tắt của cụm từ Boston Consulting Group. Ma trận này được hình thành nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp có thể định hướng chiến lược tăng trưởng thị phần thông qua việc phân tích các danh mục sản phẩm. Từ đó, doanh nghiệp xác định vị trí của sản phẩm và đưa ra quyết định nên tiếp tục đầu tư hay loại bỏ nó.

Ma trận Boston được chia làm 4 góc phần tư và phân tích từng khía cạnh tương ứng với sự tăng trưởng của 2 yếu tố:

  • Thị phần (Market Share): Thị phần của sản phẩm trên thị trường cao hay thấp.
  • Triển vọng phát triển (Market Growth): Đối tượng khách hàng tiềm năng trong thị trường có triển vọng phát triển không.

Trong đó, thị phần nằm trên trục x, và triển vọng phát triển nằm ở trục y.

ma trận bcg là gì
Ma trận BCG là gì? BCG matrix là gì?

II. Ý nghĩa của ma trận BCG

Ma trận BCG được ứng dụng rất nhiều trong việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược Marketing của doanh nghiệp. Dưới đây là những ý nghĩa mà ma trận này mang lại:

  • Ma trận BCG giúp doanh nghiệp có thể phân bổ nguồn đầu tư một cách hợp lý về cả nhân sự và tài chính.
  • Ma trận Boston như một “lát cắt” của doanh nghiệp, thể hiện được tình hình tổng quan và những vấn đề hiện tại. Từ những lát cắt này giúp bạn có thể đánh giá được hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và những vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
  • Công cụ này đóng vai trò như một “thước đo” để đánh giá tiềm năng về doanh thu, lợi nhuận khi doanh nghiệp ra mắt các sản phẩm mới. Từ đó giúp nhà lãnh đạo đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp để đạt được những giá trị cao nhất.
  • Mô hình BCG trên thực tế sẽ ít có những dự báo cho tương lai cũng như không quan tâm đến những khía cạnh từ đến từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, nó có giá trị đánh giá tình hình hiện tại khá chính xác.
Ý nghĩa ma trận BCG
Ma trận BCG giúp doanh nghiệp định hướng phân bổ nguồn đầu tư hợp lý

III. Ma trận BCG gồm những gì?

Ma trận BCG được chia làm 4 góc phần tư, tương ứng với 4 SBU. Trong đó, SBU (Strategic Business Unit) là đơn vị kinh doanh chiến lược. SBU đề cập đến một bộ phận được quản lý độc lập bởi một công ty, có sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng và mục tiêu riêng. Dễ hiểu hơn, đó có thể là một sản phẩm, một nhãn hiệu của doanh nghiệp đang nhắm tới nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể nào đó.

4 góc phần tư của mô hình BCG gồm:

  • SBU ngôi sao: những sản phẩm có thị phần và mức tăng trưởng cao.
  • SBU dấu hỏi chấm: những sản phẩm có thị phần thấp nhưng mức tăng trưởng cao.
  • SBU con bò: những sản phẩm có thị phần cao nhưng mức tăng trưởng thấp.
  • SBU con chó: những sản phẩm có thị phần và mức tăng trưởng thấp.
Ma trận BCG gồm
4 góc phần tư của ma trận BCG

IV. Phân tích ma trận BCG

1. SBU Con Chó

SBU Con chó đại diện cho những sản phẩm chiếm thị phần thấp và mức độ tăng trưởng cũng thấp. Các sản phẩm này khó tạo ra được giá trị lớn về lợi nhuận nhưng thường đòi hỏi nhiều nguồn lực để duy trì, thậm chí khiến doanh nghiệp phải bù lỗ.

Đối với các sản phẩm ít triển vọng như thế này, doanh nghiệp nên xem xét thu nhỏ hoặc loại bỏ để tiết kiệm chi phí và tập trung vào những SBU khác có tiềm năng phát triển cao hơn.

2. SBU Con Bò

Các sản phẩm được liệt kê trong SBU Con bò có mức độ tăng trưởng thấp, tuy nhiên lại có thị phần cao. Những SBU này thị trường đã có sự bão hòa, khó tăng trưởng. Tuy nhiên nó có khả năng “hái ra tiền”, tạo được lợi nhuận ổn định cho doanh nghiệp mà không cần quá nhiều nguồn lực.

Do đó, doanh nghiệp nên tận dụng tối đa lợi nhuận từ SBU này. Đồng thời chỉ nên đầu tư ở mức duy trì để tạo sự cân bằng và sự ổn định cho các doanh mục đầu tư. Còn lại nên tập trung vào SBU Ngôi sao và SBU Dấu hỏi chấm.

SBU Con bò trong ma trận BCG
SBU Con bò (Cash Cow) trong ma trận BCG là những sản phẩm tạo ra lợi nhuận ổn định cho doanh nghiệp

3. SBU Ngôi Sao

SBU Ngôi sao trong ma trận BCG là những sản phẩm có thị phần lớn và có tỷ lệ tăng trưởng cũng ở mức cao. Các sản phẩm này có lợi thế cạnh tranh cao, tiềm năng phát triển mạnh mẽ và được đánh giá cao về khả năng sinh lời, đóng góp lớn vào doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Các doanh nghiệp nên đầu tư và tập trung phát triển SBU này để tăng cường thị phần và khai thác toàn bộ tiềm năng của nó. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành, những sản phẩm này đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư lớn để có thể giữ vững được vị trí dẫn đầu.

4. SBU Dấu Hỏi Chấm

SBU Dấu hỏi chấm trong ma trận BCG là những sản phẩm tuy có thị phần nhỏ nhưng mức độ tăng trưởng cao. Các ngành hàng này có khả năng tăng trưởng dài hạn trong tương lai và có tiềm năng trở thành “ngôi sao” nếu được đầu tư đúng cách.

Do đó, các doanh nghiệp cần xem xét chiến lược, có kế hoạch đầu tư phù hợp và đúng lúc để tăng thị phần và nâng cao vị trí cạnh tranh của SBU này. Bởi nếu việc đánh giá sai và đầu tư không thành công, các “dấu hỏi chấm” sẽ dễ trở thành các sản phẩm “con chó”.

V. Ưu, nhược điểm của ma trận BCG

Bất cứ một mô hình nào cũng sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Trước khi áp dụng ma trận BCG vào thực tế, bạn nên quan tâm về những ưu nhược điểm của nó:

1. Ưu điểm

  • Ma trận BCG có cấu trúc khá đơn giản, dễ hiểu, không yêu cầu phải có kiến thức chuyên sâu để phân tích. Doanh nghiệp có thể dễ dàng áp dụng và tìm ra chỗ đứng phù hợp cho các sản phẩm của mình trong ma trận.
  • Mô hình này đã được chứng minh về sự uy tín theo thời gian.
  • Sử dụng ma trận BCG giúp doanh nghiệp có thể xác định được chiến lược phù hợp, phân bổ nguồn vốn hợp lý để theo đuổi thị phần mục tiêu.
Ưu điểm ma trận BCG
BCG Matrix có cấu trúc đơn giản, dễ hiểu

2. Nhược điểm

  • Ma trận BCG không quan tâm đến môi trường vĩ mô bên ngoài, vì thế mà doanh nghiệp khó thấy được bức tranh tổng quan ở cả bên trong và ngoài doanh nghiệp.
  • Việc bỏ qua một số yếu tố khác ngoài thị phần và tốc độ tăng trưởng có thể dẫn đến cái nhìn chưa hoàn toàn chính xác về vị trí của các loại sản phẩm trong ngành.
  • Ma trận BCG không có khả năng dự báo được các giá trị tương lai.
  • Khi phân loại các sản phẩm theo 4 góc phần tư, trong một số trường hợp có thể gây nhầm lẫn.

VI. Cách vẽ ma trận BCG nhanh chóng

Để vẽ ma trận BCG một cách nhanh chóng, điều đầu tiên cần làm là xác định được 2 thông số: thị phần và tỷ lệ tăng trưởng. Khi đã có được kết quả của 2 thông số này, việc tiếp theo chính là xác định các SBU của doanh nghiệp.

  • Công thức: Thị phần tương đối (TPTĐ) = Tổng doanh số của doanh nghiệp / Tổng doanh số của đối thủ cạnh tranh.
  • Mỗi SBU sẽ là một góc phần tư trên ma trận BCG. Chúng có độ lớn tỉ lệ thuận với mức đóng góp của SBU trong tổng số doanh thu.
  • Xác định vị trí của các SBU trên ma trận thông qua 2 thông số: tỷ lệ tăng trưởng và thị phần tương đối.
Cách vẽ ma trận BCG
Công thức tính thị phần tương đối

VII. 5 bước ứng dụng BCG trong lập chiến lược

1. Bước 1. Chọn đơn vị

Ở bước đầu tiên, bạn cần xác định được đơn vị mà bạn muốn thực hiện phân tích với ma trận BCG. Các đơn vị ở đây có thể là sản phẩm, thương hiệu nào đó của doanh nghiệp.

2. Bước 2. Xác định thị trường

Xác định thị trường là một trong những bước quan trọng cần làm để phân tích BCG. Thị trường có thể là thị trường quốc tế, quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc trong một ngành công nghiệp cụ thể nào đó. Bạn cần xác định chính xác phạm vị thị trường mà đơn vị đó hoạt động. Bởi vì nếu xác định sai sẽ dẫn đến việc phân loại kém.

3. Bước 3. Tính thị phần tương đối

Trong bước này, bạn cần xác định được thị phần tương đối của đơn vị trong thị trường đã xác định ở 2 bước trước. Trong đó, thị phần tương đối có thể được tính bằng thị phần tuyệt đối hoặc doanh thu của đơn vị. Thị phần tương đối được tính bằng cách chia doanh thu (hoặc thị phần) của đơn vị cho doanh thu (hoặc thị phần) của đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong ngành.

Ví dụ như thị phần của công ty bạn trong ngành Vật liệu xây dựng là 10%, thị phần của đối thủ mạnh nhất là 25% trong cùng một năm. Khi đó, thị phần tương đối của bạn sẽ là 10% / 25% = 0,4.

4. Bước 4. Tìm hiểu tốc độ tăng trưởng thị trường

Tốc độ tăng trưởng thị trường trong từng ngành thường sẽ được công bố trong các báo cáo ngành và được cung cấp trực tuyến miễn phí. Tỷ lệ tăng trưởng cũng có thể được tính bằng cách xem xét sự tăng trưởng về doanh thu của các đơn vị đầu ngành. Và có một lưu ý là khi phân tích, bạn nên tìm ra được vị trí tốc độ tăng trưởng đáng kể để tách con bò ra khỏi các SBU còn lại.

5. Bước 5. Vẽ các vòng tròn trên ma trận

Sau khi đã tính toán toàn bộ các chỉ số ở bước 3 và bước 4, bạn sẽ thực hiện vẽ các vòng tròn trên ma trận BCG. Mỗi một thương hiệu sẽ là một vòng tròn riêng việt, và kích thước vòng tròng sẽ tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng và thị phần mà thương hiệu đó sở hữu.

vẽ vòng tròn trên ma trận BCG
Ví dụ về vẽ các vòng tròn trên ma trận BCG

VIII. Các ví dụ thực tế về ma trận BCG

1. Apple

Đối với Apple, 2 sản phẩm thuộc SBU Con bò của ma trận BCG chính là Apple iTunes và Apple MacBook. Cả 2 sản phẩm trong những năm qua đã đạt được vị trí cao trong danh mục các sản phẩm được ưa chuộng tại Apple.

Còn SBU ngôi sao, chắc hẳn với hãng công nghệ Apple chính là điện thoại iPhone. Mỗi khi Apple ra mắt một sản phẩm iPhone mới thì sẽ lại có một kỷ lục mới về số lượng mua hàng được thiết lập. Còn những sản phẩm như iPad, Apple Watch cũng đang là ngôi sao và dần được chuyển đổi trở thành con bò.

2 dòng sản phẩm Apple TV và Apple iPod được xếp vào SBU con chó. Bởi 2 mặt hàng này từ khi ra mắt không tạo ra được những tác động đáng kể trên thị trường.

ví dụ ma trận bcg
iPhone là SBU ngôi sao của Apple

2. Vinamilk

  • SBU sữa bột

Các dòng sữa bột của Vinamilk hiện chiếm đến 30% thị phần. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sữa bột tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Còn ở các thành phố lớn, thương hiệu này bị cạnh tranh bởi nhiều hãng sữa nước ngoài do tâm lý người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Vinamilk đã ngày càng đa dạng hơn các sản phẩm sữa bột để có thể tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng hơn. Thay vì chỉ dành cho trẻ em, sữa bột của Vinamilk mở rộng đối tượng sang phụ nữ mang thai, người ăn kiêng và người cao tuổi. Vì thế mà Vinamilk vẫn giữ vững phong độ và nắm được thị phần cao.

Giải pháp đưa ra cho đơn vị này là nên tiếp tục đẩy mạnh vào SBU sữa bột. Đồng thời có thể phát triển thêm những sản phẩm mới ở phân khúc mức giá thấp hơn để tiếp cận thêm nhiều khách hàng.

  • SBU sữa nước

Sữa nước vẫn là SBU chủ lực của Vinamilk khi chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của hãng. Nhờ lợi thế là dòng sữa tươi tiệt trùng, sản xuất với dây chuyền khép kín, sữa nước vẫn là SBU không thể tách rời của Vinamilk. Do đó, thương hiệu này nên tiếp tục đẩy mạnh các chiến lược quảng bá, Marketing để duy trì và phát triển hình ảnh, đồng thời giúp mở rộng hơn đối tượng khách hàng.

ví dụ ma trận bcg
Sữa nước của Vinamilk là sản phẩm chủ lực
  • SBU sữa đặc

Về SBU sữa đặc, đây là một trong những sản phẩm xuất hiện khá sớm và hiện vẫn giữ được vị trí nhất định trên thị trường. Dòng sản phẩm này được xếp vào SBU con bò trong ma trận BCG của Vinamilk vì có thị phần cao, nhưng mức tăng trưởng lại thấp. Giải pháp cho Vinamilk là vẫn nên tiếp tục đầu tư, duy trì sự phát triển của sản phẩm, tập trung vào phân khúc khách hàng bình dân và những kênh bán lẻ.

3. Honda

Trong thị trường xe Việt Nam, các sản phẩm của Honda được xếp vào SBU Con bò bao gồm: Honda Lead, Honda Wave và ô tô Honda City. Những sản phẩm này đã đạt được vị trí cao trong danh mục sản phẩm của hãng này.

SBU Ngôi sao của Honda chắc chắn gọi tên Honda Vision, Honda SH và Honda Wave Alpha. Doanh số bán ra năm 2021 của Honda Vision chiếm đến 24,6% tổng doanh số bán xe máy. Còn Wave Alpha chiếm 18,9%. Ngoài ra, những dòng xe phân khối lớn từ hãng Honda cũng là ngôi sao và đang dần chuyển đối thành con bò trong ma trận BCG.

ví dụ ma trận bcg
Honda Lead là Cash Cow trong BCG Matrix của Honda

IX. Lưu ý khi dùng BCG Matrix

Khi sử dụng ma trận BCG, các doanh nghiệp cần lưu ý một số yếu tố quan trọng sau đây:

  • Yếu tố “Market Growth” chưa chắc chắn có thể đo lường được chính xác sự hấp dẫn của một sản phẩm trên thị trường.
  • Yếu tố “Market Share” chính là thước đo về khả năng tạo ra lợi nhuận của các sản phẩm.
  • Mỗi một sản phẩm có một chu kỳ kinh doanh khác nhau, không thể quy chúng về một tiêu chuẩn nhất định.
  • Doanh nghiệp không chỉ nên tập trung vào 2 yếu tố “Market Growth” và “Market Share” mà quên đi nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò tác động đến sự phát triển bền vững của các sản phẩm.

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan về ma trận BCGGOBRANDING muốn chia sẻ đến các bạn. Có thể thấy rằng, mô hình BCG này là một công cụ không thể thiếu đối với bất cứ đơn vị nào để xác định những nguồn lực cần đầu tư và phát triển. Hy vọng những thông tin trên sẽ là nguồn kiến thức bổ ích để bạn tham khảo và áp dụng trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp mình.

4.0 / 5 - (96 bình chọn)
profile profile hotline