Marketing 5.0 – Xu hướng tiếp thị trong kỷ nguyên tương lai

Theo dõi GOBRANDING trên

Marketing 5.0 của Philip Kotler là xu hướng tiếp thị mới nhất của thời đại được sinh ra trong thời điểm nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng do Covid-19 và sự phát triển quá nhanh của công nghệ. Vậy Marketing 5.0 là gì và có các xu hướng tiếp thị 5.0 nào đang tồn tại hiện nay? Cùng GOBRANDING giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.

1. Marketing 5.0 là gì?

Marketing 5.0 là gì?

Marketing hiện nay đã phát triển và thay đổi rất nhiều qua từng thời kỳ. Trước khi Marketing 5.0 ra đời, đã có các khái niệm khác đã tồn tại tương ứng với từng thời kỳ phát triển, cụ thể là các khái niệm sau:

  • Marketing 1.0: Lấy sản phẩm làm trung tâm, mục đích chính là tạo ra sản phẩm và dịch vụ hoàn hảo đem lại giá trị cao nhất trong tâm trí khách hàng.
  • Marketing 2.0: Lấy khách hàng làm trung tâm, hoạt động tiếp thị tập trung vào việc thấu hiểu phân khúc, nhắm mục tiêu và định vị. Doanh nghiệp không còn tạo ra những sản phẩm/ dịch vụ hoàn hảo cho tất cả mọi người mà chỉ tập trung vào thị trường mục tiêu của mình.
  • Marketing 3.0: Lấy con người làm trung tâm. Ở giai đoạn này, bên cạnh việc mang đến sự hài lòng về sản phẩm, doanh nghiệp còn phải xây dựng được sự khác biệt và giá trị của thương hiệu. Bên cạnh đó, sản phẩm còn phải cung cấp giải pháp cho các vấn đề về xã hội, môi trường.
  • Marketing 4.0: Tiếp tục lấy con người làm trung tâm nhưng trong thời đại kỹ thuật số. Giai đoạn này đánh dấu sự dịch chuyển từ tiếp thị truyền thống sang công nghệ số. Các doanh nghiệp đã có sự đổi mới trong việc kết hợp giữa Marketing online và offline, phân phối nội dung trên các phương tiện truyền thông xã hội và xây dựng chiến lược tiếp thị đa kênh (Omnichannel).

Tuy nhiên, các ứng dụng công nghệ tiếp thị số bao gồm nhiều hơn thế. Việc bùng nổ và phổ biến của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural language processing – NLP), công nghệ cảm biến và Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT) có tiềm năng thay đổi “cuộc chơi” trong hoạt động tiếp thị. Chính lúc này khái niệm mới về Marketing 5.0 ra đời.

Marketing 5.0 là việc ứng dụng các công nghệ bắt chước con người (công nghệ kế tiếp) để giao tiếp, sáng tạo, truyền tải và nâng cao giá trị trong suốt hành trình của khách hàng. Các công nghệ kế tiếp này bao gồm AI, NLP, cảm biến, robot, thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR), thực tế ảo (Virtual reality – VR), IoT, blockchain. Sự phối hợp giữa các công nghệ này là Tiếp thị 5.0. 

Mục đích chính của việc ứng dụng các công nghệ kế tiếp vào marketing là để tạo ra một trải nghiệm khách hàng (customer experience – CX) mới xuyên suốt và hấp dẫn. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp phải tận dụng được sự cộng hưởng cân bằng giữa trí thông minh của con người và máy tính.

Các công nghệ kế tiếp
Các công nghệ kế tiếp trong suốt hành trình trải nghiệm khách hàng mới (Customer Experience – CX).

2. Marketing 5.0 xuất hiện vào thời điểm nào?

2.1. Đại dịch Covid-19

Làn sóng đại dịch Covid-19 đã kéo theo một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở nhiều lĩnh vực. Tình trạng giãn cách, phong tỏa, các chỉ thị của Nhà nước về hạn chế tiếp xúc nơi đông người,… đã khiến các doanh nghiệp không thể tiến hành các hoạt động kinh doanh theo hướng truyền thống, đòi hỏi phải chuyển đổi số sang các hình thức tiếp thị online và nhờ đến sự hỗ trợ của các công nghệ kỹ thuật.

2.2. Sự bùng nổ phát triển công nghệ số

Thời kỳ Marketing 4.0 đã đánh dấu sự chuyển dịch của hoạt động tiếp thị từ trực tiếp (offline) sang trực tuyến (online). Đây được xem là bước đệm để cho marketing 5.0, trong giai đoạn này người dùng đã bắt đầu làm quen và tận dụng công nghệ nhiều hơn trong hành trình mua hàng của mình. Với sự tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của công nghệ trong mọi mặt đời sống, các doanh nghiệp cũng phải bắt kịp xu hướng chung để phát triển và cuối cùng marketing 5.0 đã ra đời.

3. Điểm qua 5 xu hướng của Marketing 5.0 

Theo cuốn sách Marketing 5.0 của Philip Kotler, ông cho rằng Marketing 5.0 có 5 xu hướng nền tảng sau đây:

  • Tiếp thị dựa trên dữ liệu (Data-driven Marketing)
  • Tiếp thị linh hoạt (Agile Marketing)
  • Tiếp thị dự đoán (Predictive Marketing)
  • Tiếp thị theo ngữ cảnh (Contextual Marketing)
  • Tiếp thị tăng cường (Augmented Marketing)
Năm thành phần nền tảng của Tiếp thị 5.0
Năm thành phần nền tảng của Tiếp thị 5.0

3.1. Tiếp thị dựa trên dữ liệu (Data-driven Marketing)

Tiếp thị dựa trên dữ liệu là hoạt động doanh nghiệp thu thập và phân tích một khối lượng dữ liệu khổng lồ từ người dùng, đồng thời xây dựng cho mình một hệ sinh thái dữ liệu nhằm phục vụ việc nhắm mục tiêu tiếp thị hiệu quả. Từ những dữ liệu phân tích, doanh nghiệp có thể nhắm chính xác đối tượng khách hàng tiềm năng và tăng tỷ lệ bán hàng cao hơn.

Ví dụ: Google sở hữu một hệ sinh thái dữ liệu vô cùng đồ sộ, dựa trên những tìm kiếm, hành vi của người dùng thực hiện mỗi ngày trên các nền tảng của mình, Google có thể nhắm chính xác được đối tượng này đang có nhu cầu gì? Lịch sử tìm kiếm, mua hàng ra sao? Từ đó phân phối những quảng cáo về các sản phẩm phù hợp đến với nhóm đối tượng tiềm năng này.

Sau đây là 2 giai đoạn quan trọng trong tiếp thị dựa trên dữ liệu:

Giai đoạn 1: Phân khúc từng cá nhân

Thị trường vốn không đồng nhất và mỗi khách hàng đều khác biệt, vì thế doanh nghiệp luôn cần bắt đầu với việc phân khúc và nhắm mục tiêu. Có bốn phương pháp để tiến hành phân khúc thị trường dựa vào các yếu tố: 

  • Địa lý: theo quốc gia, khu vực, thành phố và địa điểm,…
  • Nhân khẩu học: tuổi, giới tính, nghề nghiệp và tầng lớp kinh tế xã hội,…
  • Tâm lý học: sở thích, thái độ, động lực thúc đẩy đưa ra quyết định,…
  • Hành vi: các hành vi mua hàng trong quá khứ, tần suất và giá trị mua hàng,…

Sau khi phân khúc từng các nhân, doanh nghiệp sẽ phát triển chân dung khách hàng cho mình từ những đặc điểm đã phân tích. 

Chân dung khách hàng trong Marketing 5.0
Lập hồ sơ khách hàng theo mô hình phân khúc từng cá nhân

Giai đoạn 2: Thiết lập tiếp thị dựa trên dữ liệu

  • Bước 1: Xác định mục tiêu của tiếp thị dựa trên dữ liệu

Ví dụ: Sau đây là một số mục tiêu của tiếp thị dựa trên dữ liệu:

Cung cấp cái gì? Cung cấp như thế nào?
Khám phá các ý tưởng mới về sản phẩm và dịch vụ Nhắm mục tiêu và xác định đúng đối tượng
Ước tính nhu cầu thị trường đối với sản phẩm và dịch vụ Xác định đúng thông điệp và nội dung tiếp thị
Đề xuất lần mua kế tiếp Chọn đúng các phương tiện hỗn hợp để truyền thông
Tạo ra các sản phẩm/ dịch vụ phù hợp nhu cầu khách hàng Lựa chọn hỗn hợp kênh để tiếp cận thị trường
Cá nhân hóa các trải nghiệm người dùng Lập hồ sơ khách hàng để tạo ra và nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng
Xác định mức giá đúng cho sản phẩm mới Tạo ra các dịch vụ chăm sóc khách hàng
Cho phép thực hiện chính sách định giá linh hoạt Xác định các than phiền tiềm ẩn và khả năng rời bỏ của khách hàng

 

  • Bước 2: Xác định yêu cầu và tính khả dụng của dữ liệu
Mô hình ma trận dữ liệu trong tiếp thị 5.0.
Mô hình ma trận dữ liệu trong tiếp thị 5.0.
  • Bước 3: Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu tích hợp

Hầu hết các sáng kiến tiếp thị 5.0 đều dựa trên dữ liệu bắt đầu dưới dạng các dự án. Tuy vậy, về lâu dài, tiếp thị dựa trên dữ liệu phải là một hoạt động thường xuyên để đảm bảo các nỗ lực thu thập dữ liệu được duy trì liên tục, doanh nghiệp phải xây dựng một hệ sinh thái tích hợp tất cả dữ liệu nội bộ và bên ngoài.

3.2. Tiếp thị linh hoạt (Agile Marketing)

Tiếp thị linh hoạt dựa trên việc áp dụng mô hình đội nhóm phi tập trung và liên chức năng Agile để lên ý tưởng, thiết kế, phát triển và xác thực sản phẩm cũng như các chiến dịch tiếp thị một cách nhanh chóng.

Ví dụ: Zara là một trong những thương hiệu thời trang nhanh thành công khi áp dụng chiến lược tiếp thị linh hoạt. Khác với các công ty may mặc truyền thống dựa vào xu hướng theo mùa, Zara đặt thời gian quay vòng thời trang nhanh hơn với 10.000 mẫu thiết kế mỗi năm bằng cách đem những xu hướng mới nhất từ sàn catwalk đến cửa hàng chỉ trong vài tuần.

Trong một thời đại đầy biến động, doanh nghiệp không thể lập kế hoạch dài hạn mà không thực hiện những điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Doanh nghiệp cần vừa theo kịp tốc độ thay đổi của khách hàng vừa phải nhanh hơn đối thủ cạnh tranh. Và sự linh hoạt chính là yếu tố thành công quan trọng để doanh nghiệp mở rộng quy mô và phát triển.

>> Tìm hiểu ngay: Agile Marketing là gì? Ứng dụng mô hình Scrum trong Agile Marketing

Các thành phần chính trong một tổ chức Agile Marketing:

  • Đầu tiên, doanh nghiệp cần xây dựng năng lực phân tích theo thời gian thực, nghĩa là xác định các vấn đề cần xử lý hoặc cơ hội để phát triển bằng cách nắm bắt dữ liệu khách hàng để giám sát các thay đổi theo thời gian ở hiện tại.
  • Dựa trên những ý tưởng mới được khám phá, Doanh nghiệp sẽ thành lập các nhóm linh hoạt phi tập trung để đưa ra và phát triển những sáng kiến tiếp thị theo từng đợt nhỏ và tăng dần.
  • Sau đó, các nhóm phi tập trung sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hoặc chiến dịch dựa trên một nền tảng linh động trong một quy trình đồng thời.
  • Các vòng lặp sản phẩm sau đó được kiểm tra thông qua thử nghiệm nhanh để xem xét sản phẩm nào được thị trường đón nhận nhất.
  • Để đẩy nhanh quá trình, doanh nghiệp có thể áp dụng 
  • Trong quá trình triển khai, tổ chức Agile Marketing cần áp dụng những cách tiếp cận đổi mới cởi mở và tận dụng cả nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài.
Mô hình phát triển tiếp thị linh hoạt.
Mô hình phát triển tiếp thị linh hoạt.

3.3. Tiếp thị dự đoán (Predictive Marketing)

Đây là quá trình xây dựng và áp dụng phương pháp phân tích dự đoán để đưa ra những kết quả mô phỏng cho các hoạt động tiếp thị trước khi triển khai. Điều này cho phép doanh nghiệp có thể phán đoán thị trường sẽ phản hồi như thế nào với sản phẩm, từ đó có phương án tác động để đạt được kết quả mong muốn. 

Khác với phương pháp truyền thống là nhà tiếp thị sẽ thống kê hành vi trong quá khứ và dùng trực quan để đưa ra những phỏng đoán. Trong Marketing 5.0, tiếp thị dự đoán chủ yếu được thực hiện bởi AI. Dữ liệu sẽ được tải vào một công cụ “máy học” để tìm ra các mẫu hình cụ thể, đây được gọi là mô hình dự đoán. Thông qua đó, các kết quả trong tương lai sẽ được đưa ra cụ thể như ai có khả năng mua hàng, sản phẩm nào bán được hoặc chiến dịch nào sẽ thành công,…

Tiếp thị dự đoán thường sẽ đi đôi với tiếp thị dữ liệu vì để đưa ra các phán đoán đúng, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một hệ sinh thái dữ liệu trước đó.

Các ứng dụng phổ biến của tiếp thị dự đoán:

Quản trị khách hàng Quản trị sản phẩm Quản trị thương hiệu
Dự đoán phản hồi của khách hàng đối với hoạt động bán thêm và bán chéo. Dự đoán sản phẩm có cơ hội thành công khi ra mắt trên thị trường. Dự đoán chiến dịch tiếp theo sẽ thành công.
Dự đoán độ dài của mối quan hệ với từng khách hàng, phát hiện hiện tượng rời bỏ thương hiệu và nguyên nhân của nó. Phát triển hệ thống đề xuất dựa trên việc chọn sản phẩm sẽ cung cấp từ danh mục rộng lớn hiện có. Dự đoán nội dung marketing nào phù hợp với khách hàng.
Xác định và triển khai hoạt động tiếp thị phù hợp nhất với từng khách hàng. Cung cấp cho khách hàng những đề xuất sản phẩm phù hợp nhất với từng người. Theo dõi hành trình của khách hàng trên các phương tiện kỹ thuật số, dự đoán động thái kế tiếp và đưa ra những nội dung tiếp thị phù hợp để tăng dần mức độ quan tâm của khách hàng.

Dẫn dắt khách hàng đến với nội dung trên suốt hành trình kỹ thuật số.

Ví dụ: Hiện nay, tiếp thị dự đoán thường được ứng dụng phổ biến trên các kênh bán lẻ như Amazon, Shopee,… hay các kênh dịch vụ như Youtube, Tinder, Tik Tok,… Cụ thể, máy học sẽ phân tích các dữ liệu tìm kiếm trong quá khứ và đề xuất các sản phẩm hoặc nội dung phù hợp đến khách hàng hoặc người xem khi sử dụng ứng dụng.

Sau đây là 3 mô hình dự đoán Marketing 5.0 phổ biến nhất:

Mô hình hồi quy phù hợp cho các dự án đơn giản: 

  • Thu thập dữ liệu cho các biến độc lập và biến phụ thuộc.
  • Tìm phương trình giải thích mối quan hệ giữa các biến số.
  • Giải phương trình để tìm ra sự thật ngầm hiểu và kiểm tra độ chính xác.
  • Dự đoán các biến phụ thuộc dựa trên các biến độc lập.

Mô hình lọc cộng tác phù hợp cho các hệ thống đề xuất: 

  • Thu thập thông tin sở thích từ một lương khách hàng lớn.
  • Phân nhóm khách hàng và sản phẩm tương tự nhau.
  • Dự đoán đáng giá mà khách hàng có thể đưa ra đối với một sản phẩm mới.

Mô hình mạng thần kinh phù hợp cho các dự đoán phức tạp: 

  • Nạp hai bộ dữ liệu: đầu và đầu ra.
  • Để mạng thần kinh khám phá ra những liên hệ giữa các dữ liệu.
  • Sử dụng mô hình kết quả trong các lớp ẩn để dự đoán đầu ra.
Cách tiếp thị dự đoán vận hành.
Cách tiếp thị dự đoán vận hành trong Marketong 5.0 của Philip Kotler.

3.4. Tiếp thị theo ngữ cảnh (Contextual Marketing)

Tiếp thị theo ngữ cảnh là hoạt động nhằm xác định, lập hồ sơ nghiên cứu, cũng như đem lại cho khách hàng những tương tác được cá nhân hóa bằng cách sử dụng các cảm biến và giao diện công nghệ số trong không gian vật lý. Đây là bước quan trong được xem là xương sống để nhà tiếp thị có thể thực hiện các hoạt động tiếp thị cá nhân 1-1 trong thực tế tùy thuộc vào bối cảnh của khách hàng. 

Tương tự như việc để con người có thể nhận thức tình huống thì phải quan sát môi trường xung quanh, phân biệt cảm xúc thông qua biểu cảm gương mặt. Để máy tính làm được điều này, 

Giống như con người có thể quan sát môi trường xung quanh, nhận biết cảm xúc để nắm bắt tình huống, máy móc cần phải được trang bị nhiều loại cảm biến để thu thập tất cả dữ liệu cho AI xử lý phân tích. Chính vì thế, để triển khai phương án tiếp thị theo ngữ cảnh, doanh nghiệp cần xây dựng một cơ sở hạn tầng cảm biến thông minh hiện đại phù hợp.

Sau đây là một vài cách tiếp thị theo ngữ cảnh đã được ứng dụng:

  • Sử dụng cảm biến tiệm cận để phản hồi theo ngữ cảnh tại điểm bán hàng

Ví dụ: Một khách hàng cài đặt ứng dụng của một nhà bán lẻ và đăng nhập với thông tin cá nhân. Khi khách hàng đi ngang qua cửa hàng bán lẻ đó – nơi có gắn các cảm biến tiệm cận, các cảm biến này sẽ nhận ra và kích hoạt hệ thống gửi cho khách hàng những tin nhắn dưới dạng thông báo của ứng dụng.

  • Sử dụng sinh trắc học như nhận dạng khuôn mặt, giọng nói, tín hiệu thần kinh,… để kích hoạt các hành động được cá nhân hóa:

Ví dụ: Disney đã thử nghiệm tính năng phát hiện cảm xúc bằng cách lắp đặt camera trong các rạp chiếu phim của hãng. Việc này giúp theo dõi biểu cảm khuôn mặt của khách hàng trong suốt bộ phim, từ đó có thể biết mức độ thích thú của khách hàng đối với mỗi cảnh phim. Điều này giúp Disney nâng cao chất lượng sản phẩm trong các dự án tương lai.

  • Tạo một kênh trực tiếp tại địa điểm của khách hàng

Ví dụ 1: Một trong những kênh đang được phát triển để có thể tiếp cận khách hàng ngay tại nhà là các loa thông minh như Amazon Echo, Google Nest và Apple HomePod. Chúng được vận hành bởi các giọng nói thông minh như Alexa, Google Assistant và Siri. Giống như các công cụ tìm kiếm, chúng sẽ ngày càng trở nên thông minh hơn và có tiềm năng trở thành một kênh tiếp thị theo ngữ cảnh hiệu quả.

Ví dụ 2: Dòng tủ lạnh Samsung’s Family Hub – tủ lạnh có màn hình cảm ứng – cho phép người dùng tạo danh sách mua sắm và đặt hàng tạp hóa trực tiếp. Đồng thời, người dùng còn có thể đặt xe hoặc đồ ăn nhanh chóng, tiện lợi. Sản phẩm là một kênh tiếp thị theo ngữ cảnh vô cùng hiệu quả khi có thể cung cấp những sản phẩm phù hợp ngay khi khách hàng cần tới.

3.5. Tiếp thị tăng cường (Augmented Marketing)

Tiếp thị tăng cường là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để nâng cao năng suất của nhà tiếp thị tiếp xúc với khách hàng bằng những công nghệ bắt chước con người như chatbot, trợ lý ảo,… 

Mặc dù chưa thể tái tạo được hoàn thiện trí tuệ con người nhưng máy móc hiện nay đã đảm nhận xuất sắc một số chức năng cụ thể có thể hỗ trợ con người một cách hiệu quả. Trong Marketing 5.0, việc áp dụng công nghệ như AI giúp đảm nhiệm những tác vụ có có giá trị thấp, để con người quyết định và tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như bán hàng hay dịch vụ khách hàng.

Tiếp thị tăng cường bắt đầu với việc có một định nghĩa rõ ràng về cách thức công nghệ có thể làm gia tăng giá trị cho các hoạt động cho những nhân viên bán hàng tuyến đầu. Một trong những giải pháp nâng cao năng suất là tạo ra hệ thống giao diện tương tác theo cấp độ sau đây:

  • Giao diện bán hàng theo cấp độ:
Ví dụ về tiếp thị tăng cường trong giao diện bán hàng theo cấp độ.
Ví dụ về tiếp thị tăng cường trong giao diện bán hàng theo cấp độ.
  • Giao diện dịch vụ khách hàng theo cấp độ:
Ví dụ về tiếp thị tăng cường trong giao diện dịch vụ khách hàng theo cấp độ.
Ví dụ về tiếp thị tăng cường trong giao diện dịch vụ khách hàng theo cấp độ.

Công nghệ sẽ là những công cụ vô cùng hữu hiệu để các nhân viên bán hàng tuyến đầu tương tác với khách hàng dễ dàng và nâng cao khả năng “chốt đơn” nhanh chóng và hiệu quả nhất.

 >> Tối ưu các hoạt động kinh doanh bằng các phương thức tiếp thị số Marketing Online hiệu quả.

 

4. Những thách thức phải đối mặt trong kỷ nguyên Marketing 5.0

4.1. Khoảng cách thế hệ

Hiện nay, có 5 thế hệ đang cùng tồn tại bao gồm thế hệ Baby Boomer (1946-1964), thế hệ X (1965-1980), Y (1981-1996), Z (1997-2009) và Alpha (2010-2025). Đối với từng thế hệ sẽ có những phương thức tiếp thị phù hợp tiến hóa theo thời gian. Nếu thế hệ Baby Boomer và gen X chủ yếu tiếp cận với Marketing 1.0 và 2.0 thì Gen Y lại gắn liền với phương thức tiếp thị 3.0. Hai thế hệ trẻ nhất hiện nay là Gen Z và Alpha là những thế hệ được tiếp xúc với các nền tảng kỹ thuật số từ sớm nên rất phù hợp với phương thức Marketing 4.0 và 5.0. 

Năm thế hệ và sự tiến hóa của Marketing.
Năm thế hệ và sự tiến hóa của Marketing.

4.2. Phân hóa giàu nghèo

Một trong những thách thức mà nhà tiếp thị phải đối mặt hiện nay là sự phân hóa mọi mặt của cuộc sống con người từ việc làm đến hệ tư tưởng, lối sống và thị trường. Nguyên nhân của vấn đề này là do khoảng cách giữa các tầng lớp kinh tế xã hội ngày một lớn hơn. Lúc này, doanh nghiệp buộc phải định vị thương hiệu và lựa chọn thị trường mục tiêu của mình. Điều này làm giới hạn các thị trường mà doanh nghiệp có thể hoạt động, hạn chế cơ hội tăng trưởng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại và sự tham gia của ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh.

4.3. Khoảng cách số

Khi máy móc ngày càng hiện đại, các công nghệ mô phỏng con người như AI, robot ra đời, câu hỏi bắt đầu đặt ra là “Liệu tương lai nhân loại sẽ ra sao khi máy móc thống trị cuộc sống?”. Theo thống kê vào năm 2020 đã có gần 5 tỷ người dùng internet trên toàn thế giới. 

Khoảng cách số là sự chênh lệch sự phát triển về công nghệ và các nền tảng kỹ thuật số tại những địa điểm khác nhau. Hiện nay, trong khi nhiều quốc gia đã phát triển đến đỉnh cao công nghệ thì nhiều nơi vẫn chưa được tiếp cận với internet. Bên cạnh đó, con người còn lo sợ về một tương lai khi máy móc và công nghệ sẽ chi phối tới mọi mặt của cuộc sống. Những thách thức đó đặt ra đòi hỏi các nhà tiếp thị sẽ phải có những phương án phù hợp để phát triển và ứng dụng các công nghệ một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

5. Kết luận

Trên đây là những chia sẻ của GOBRANDING về xu hướng Marketing 5.0 của Philip Kotler. Tiếp thị là một quá trình phát triển và thay đổi không ngừng nên doanh nghiệp cần phải trau dồi và cập nhật liên tục để nắm bắt kịp thời những xu hướng tiếp thị mới nhất của thời đại. Áp dụng những xu hướng tiếp thị 5.0 sẽ là những bước tiến vượt bậc của doanh nghiệp bạn so với các đối thủ cạnh tranh khác và thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng hiệu quả. 

 

Nắm bắt các xu hướng Marketing Online mới nhất giúp tăng hiệu quả bán hàng dịp cuối năm hiệu quả cùng GOBRANDING.

Nhận tư vấn ngay!

Vui lòng check để đảm bảo thông tin ở trên là chính xác.

Giải pháp khai thác 80% khách hàng tiềm năng trên Google? – Tham khảo ngay dịch vụ seo web tại GOBRANDING

4.0 / 5 - (95 bình chọn)
profile profile hotline