Nghiên cứu thị trường – Chìa khóa thành công của doanh nghiệp

Theo dõi GOBRANDING trên

Một doanh nghiệp lên kế hoạch ra mắt sản phẩm mới nhưng lại bỏ qua giai đoạn nghiên cứu thị trường. Hậu quả là sản phẩm không được thị trường mục tiêu đón nhận mặc dù doanh nghiệp đã bỏ ra rất nhiều chi phí và công sức để quảng bá cho sản phẩm ấy. Vậy nghiên cứu thị trường là gì và tại sao doanh nghiệp không thể bỏ qua bước này?

1. Nghiên cứu thị trường là gì?

Nghiên cứu thị trường là hoạt động thu thập và phân tích thông tin về lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp đang hoạt động, thông tin về nhu cầu của khách hàng tiềm năng cũng như phân tích đối thủ cạnh tranh.

Việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp cho doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát về thị trường mục tiêu, biết được mình đang ở vị trí nào trên thị trường so với đối thủ cạnh tranh, từ đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và hạn chế được những vấn đề phát sinh trong kinh doanh.

Vai trò của nghiên cứu thị trường

Nghiên cứu thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc lập chiến lược kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào. Nghiên cứu thị trường giúp khám phá ra những phân khúc khách hàng tiềm năng và phù hợp với sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp nắm bắt các xu hướng đang thịnh hành để ngày càng hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ của mình. Nếu không biết rõ thị trường mục tiêu đang thay đổi thế nào, doanh nghiệp sẽ đưa quyết định dựa vào suy đoán chủ quan, từ đó dẫn đến việc lãng phí thời gian, công sức và nguồn nhân lực. 

Bên cạnh đó, không biết được mình đang ở đâu trên thị trường so với đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ không xác định được đâu là điểm mạnh của mình để phát huy lợi thế và đâu là điểm yếu để khắc phục.

Dù sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có tốt đến đâu, nhưng nếu doanh nghiệp xác định sai phân khúc thị trường và đối tượng khách hàng tiềm năng thì sản phẩm, dịch vụ ấy xem như đã thất bại.

2. Các phương pháp nghiên cứu thị trường

Phương pháp điều tra, khảo sát

    • Phỏng vấn trực tiếp: Người làm khảo sát thị trường sẽ đặt câu hỏi phỏng vấn trực tiếp đến các đối tượng mục tiêu. Mục đích của phương pháp này là giúp tăng độ nhận thức của người dùng về thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời lấy ý kiến trực tiếp từ khách hàng tiềm năng, làm cơ sở để cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Phỏng vấn trực tiếp đảm bảo chất lượng và số lượng phản hồi nhưng chi phí thực hiện khá tốn kém.
    • Khảo sát trực tiếp: Người làm khảo sát sẽ in bảng câu hỏi ra giấy và gửi đến đối tượng mục tiêu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chọn cách khảo sát bằng máy bảng hoặc điện thoại thông minh để tiết kiệm chi phí in ấn. Tỷ lệ số lượng người chấp nhận tham gia khảo sát trực tiếp sẽ thấp hơn hình thức phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên, hình thức này sẽ giúp cho người khảo sát có số liệu rõ ràng hơn và dễ tổng hợp hơn.
    • Khảo sát qua email: Người làm khảo sát sẽ gửi bảng câu hỏi qua email cho các đối tượng mục tiêu. Chi phí để thực hiện khá thấp tuy nhiên tỷ lệ phản hồi qua email là khá thấp. Tuy nhiên doanh nghiệp cần phải có tập dữ liệu khách hàng để gửi email đi và khả năng đối tượng mục tiêu phớt lờ các email khảo sát là khá cao nếu họ không nhận được 1 ưu đãi đặc biệt nào đó khi làm khảo sát.
    • Khảo sát qua điện thoại: Người làm khảo sát sẽ gọi điện cho các khách hàng tiềm năng để xin ý kiến đánh giá về sản phẩm, dịch vụ. Số lượng người đồng ý tham gia khảo sát bằng hình thức này không cao và phản hồi khá thấp vì đa số mọi người không thích bị làm phiền từ những cuộc gọi tiếp thị, quảng cáo.
    • Khảo sát trực tuyến: Người làm khảo sát tạo ra các bảng câu hỏi trên Internet và chia sẻ nó trên các trang mạng xã hội như Facebook hay LinkedIn hoặc các diễn đàn để tham khảo ý kiến của các đối tượng trong thị trường mục tiêu. Tương tự như khảo sát qua email, hình thức này thường đi kèm với các hình thức quà tặng để khuyến khích người dùng trả lời câu hỏi.

>> Tìm hiểu ngay: Google Surveys – Công cụ khảo sát thị trường hiệu quả

Phương pháp quan sát hành vi

Những phản hồi của các đối tượng trong thị trường mục tiêu chưa chắc đã chính xác 100% vì đôi khi họ chỉ trả lời qua loa cho xong. Việc quan sát hành vi của các khách hàng tiềm năng sẽ giúp cho doanh nghiệp có những hướng đi đúng đắn để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình để làm hài lòng các “thượng đế”.

Ví dụ: Nhờ quan sát, doanh nghiệp sản xuất các chai tương cà thủy tinh nhận thấy rằng các khách hàng của họ thường dốc ngược chai tương cà xuống khi nó gần sắp hết. Vì lý do này, doanh nghiệp này đã quyết định sản xuất chai tương cà bằng nhựa với nắp chai được đặt úp ngược, giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc sử dụng. Thiết kế này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và mang lại doanh số cao cho doanh nghiệp.

nghiên cứu thị trường bằng phương pháp quan sát hành vi người dùng
Phương pháp quan sát hành vi giúp tương cà Heinz có được những đột phá trong doanh số

Phương pháp phỏng vấn nhóm

Người thực hiện phỏng vấn nhóm sẽ mời một nhóm từ 4 đến 5 người vào 1 khu vực riêng biệt có thu âm, ghi hình và thưởng tổ chức 1 buổi ăn nhẹ có trà bánh cho các khách mời để lắng nghe quan điểm, cảm nhận của từng người cho 1 vấn đề cụ thể nào đó. Nếu là các thành viên trong nhóm ở những vị trí địa lý khác nhau thì người tổ chức phỏng vấn nhóm có thể sử dụng hình thức thảo luận online thông qua các cuộc gọi video từ Zoom, Microsoft Team hoặc Skype.

Các câu hỏi được đưa ra trong các buổi phỏng vấn nhóm thường là các câu hỏi mở để mọi người có thể thảo luận cùng với nhau. Thông thường, các cuộc phỏng vấn nhóm sẽ có 2 người điều phối: một người trực tiếp dẫn dắt và người còn lại sẽ chịu trách nhiệm quan sát và ghi chú.

Phương pháp theo dõi hành vi người dùng trên Internet

Đây là phương pháp nghiên cứu thị trường dựa trên nhu cầu tìm kiếm và hành vi của người tiêu dùng trên Internet thông qua các công cụ phân tích dữ liệu như Google Analytics, Google Trends, Think with Google, Facebook Business Manager,…

nghiên cứu thị trường bằng google analytics
Google Analytics giúp doanh nghiệp thấy được chân dung của khách hàng tiềm năng.

Dựa vào các công cụ này, doanh nghiệp có thể có được bức tranh chân dung tổng quát về khách hàng tiềm năng của mình, họ bao nhiêu tuổi, họ đến từ đâu, mối quan tâm của họ là gì,…

Ngoài các công cụ trên, các doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu insight của khách hàng (những điều khách hàng không nói ra) thông qua các trang mạng đánh giá như TripAdvisor (mảng du lịch), Edu2Review (mảng giáo dục) hay Foody (mảng ăn uống). Các mục đánh giá trên các trang thương mại điện tử như Amazon, Lazada, Tiki cũng là một nguồn tư liệu quý báu giúp doanh nghiệp hiểu hơn về nhu cầu của khách hàng.

nghiên cứu thị trường thông qua phản hồi của khách hàng
Các phản hồi của khách hàng trên các trang thương mại điện tử là một nguồn dữ liệu hữu ích trong công tác nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp

Quora là một nền tảng mạng xã hội dựa trên những câu hỏi và câu trả lời. Trên Quora, người dùng có thể đăng câu hỏi về bất kỳ chủ đề nào họ thích, và nhận được những câu trả lời từ người dùng khác. Những câu hỏi này có thể là những vướng mắc mà khách hàng tiềm năng của bạn đang gặp phải. Dành thời gian nghiên cứu các câu hỏi liên quan tới thị trường mục tiêu có thể giúp cho doanh nghiệp khám phá ra được nhu cầu thực sự của khách hàng để cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt hơn.

nghiên cứu thị trường bằng mạng xã hội Quora
Các câu hỏi người dùng post trên Quora chính là những vấn đề mà khách hàng tiềm năng đang gặp phải

3. Các bước nghiên cứu thị trường

Bước 1: Xác định mục tiêu kinh doanh và mục tiêu nghiên cứu của doanh nghiệp

Việc nghiên cứu thị trường sẽ trở nên vô nghĩa và dễ đi vào bế tắc nếu doanh nghiệp không có định hướng rõ ràng và xác định được mục tiêu cụ thể. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần trả lời 2 câu hỏi:

      • Sản phẩm của mình có thể đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách hàng nào?
      • Vì sao khách hàng lại chọn mình mà không chọn những doanh nghiệp khác?

Bước 2: Lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp

Tùy vào mục tiêu, quy mô, nguồn lực mà doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp nghiên cứu khác nhau.

Ví dụ 1: Một doanh nghiệp lớn với cơ sở vật chất hiện đại, muốn lắng nghe ý kiến của các khách hàng B2B của mình là các chủ doanh nghiệp khác thì sẽ ưu tiên hình thức phỏng vấn nhóm. Một mặt là để thể hiện quy mô, đẳng cấp của doanh nghiệp mình với khách hàng để gia tăng uy tín, mặt khác là để tăng độ tương tác và kết nối với khách hàng nhằm gia tăng mức độ trung thành từ họ.

Ví dụ 2: Doanh nghiệp tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 sẽ lựa chọn hình thức khảo sát qua email, qua điện thoại hoặc khảo sát online để tuân thủ những quy định về giãn cách xã hội.

Bước 3: Thiết kế bảng câu hỏi

Để thiết kế bảng câu hỏi, doanh nghiệp phải dựa vào mục tiêu ban đầu của mình và phương pháp nghiên cứu để đưa ra các câu hỏi dạng đóng hoặc mở cho phù hợp với từng đối tượng mục tiêu. 

Ví dụ: Doanh nghiệp lựa chọn phương pháp khảo sát qua email thì nên gửi các câu hỏi đóng (close question) để khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn vì họ sẽ không có nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi mở (open question) như nêu cảm nhận, ý kiến cá nhân. Còn nếu doanh nghiệp lựa chọn phương pháp phỏng vấn trực tiếp hay phỏng vấn nhóm thì nên lựa chọn các câu hỏi mở để tăng sự tương tác và hiểu sâu hơn về quan điểm của những người tham gia.

Nghiên cứu thị trường bằng bảng khảo sát
Bảng câu hỏi nghiên cứu thị trường.

Bước 4: Thu thập thông tin

Khi tiến hành thu thập thông tin từ các đối tượng mục tiêu, doanh nghiệp cần phải nói rõ mục đích sử dụng các dữ liệu cá nhân hoặc mục đích ghi âm cuộc phỏng vấn và phải được sự đồng ý từ những người tham gia.

Ví dụ: Người thực hiện phỏng vấn có thể nói với người tham gia phỏng vấn rằng: “Để đảm bảo tính khách quan của buổi phỏng vấn, xin phép anh/chị cho chúng tôi được ghi âm lại cuộc trao đổi này. Những thông tin mà anh/chị cung cấp sẽ được bảo mật và chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu.”

Bước 5: Tổng hợp và phân tích dữ liệu thu thập được

Sau khi thu thập được các thông tin cần thiết, dự liệu cần được lưu trữ và tổng hợp thành bảng dữ liệu hoàn chỉnh, sau đó sử dụng các phần mềm như Excel, SPSS… để tạo đồ thị một cách trực quan giúp cho quá trình phân tích dữ liệu dễ dàng hơn và mang lại cho doanh nghiệp kết quả nhanh chóng và chính xác nhất. 

nghiên cứu thị trường thông qua việc phân tích các dữ liệu thống kê từ các cuộc khảo sát
Dữ liệu nghiên cứu thị trường được thể hiện dưới dạng biểu đồ tròn

Money Survey là một nền tảng giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng thiết kế bảng câu hỏi, thu thập và phân tích dữ liệu dưới dạng các biểu đồ với nhiều màu sắc khá bắt mắt.

Google Data Studio là một nền tảng miễn phí của Google giúp bạn có thể tạo Dashboard báo cáo tuyệt đẹp từ các dữ liệu phân tích thị trường.

5. Nghiên cứu thị trường bằng cách phân tích đối thủ cạnh tranh

Những phương pháp nghiên cứu thị trường trên nhằm giúp doanh nghiệp hiểu được nhu cầu, cũng như những điều khách hàng chưa bao giờ nói ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải thực hiện phân tích đối thủ cạnh tranh để biết được những điểm mạnh, điểm yếu của mình và những điểm mạnh, điểm yếu của họ để từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh khôn ngoan để đánh bại đối thủ – “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Việc phân tích đối thủ cạnh tranh còn giúp cho doanh nghiệp tìm thấy những cơ hội mới trên thị trường, đồng thời dự báo trước những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải.

Các công cụ để nghiên cứu đối thủ cạnh tranh:

      • Công cụ phân tích tổng hợp: Kompyte, SimilarWeb – giúp doanh nghiệp so sánh lượng truy cập (traffic), nguồn truy cập (referral), hành vi người dùng, danh sách từ khóa, xếp hạng các trang tìm kiếm, các loại quảng cáo trực tuyến với đối thủ cạnh tranh.
      • Công cụ nghiên cứu từ khóa và tối ưu hóa tìm kiếm SEO: Spyfu, SEMrush – giúp doanh nghiệp phân tích một loạt các dữ liệu liên quan từ khóa, lượt tìm kiếm trả tiền (paid search) và xếp hạng trang web so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
      • Công cụ khai thác nội dung: Feedly, Buzzsumo – giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi hoạt động tối ưu website của đối thủ cũng như nắm bắt những xu hướng thị trường hiện tại và dự báo những xu hướng sắp tới.
      • Công cụ theo dõi quảng cáo trực tuyến: iSpionage, Whatrunswhere xác định những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của chiến dịch PPC, cho biết ngân sách chi tiêu quảng cáo PPC mỗi tháng của họ và hiệu suất toàn bộ chiến lược Google Ads.
      • Công cụ theo dõi truyền thông mạng xã hội – Brandwatch Analytics – cung cấp dữ liệu có giá trị về đối thủ cạnh tranh trên Facebook và Twitter giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả từ hai nền tảng này.

Kết luận 

Nghiên cứu thị trường là một hoạt động không thể bỏ qua khi doanh nghiệp muốn tiếp cận một thị trường mục tiêu mới. Nghiên cứu thị trường không chỉ đơn thuần là nắm bắt nhu cầu của khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp còn phải thấu hiểu về đối thủ cạnh tranh của mình để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, đúng đắn.

{
“@context”: “https://schema.org”,
“@type”: “FAQPage”,
“mainEntity”: [{
“@type”: “Question”,
“name”: “Nghiên cứu thị trường là gì?”,
“acceptedAnswer”: {
“@type”: “Answer”,
“text”: “Nghiên cứu thị trường là hoạt động thu thập và phân tích thông tin về lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp đang hoạt động, thông tin về nhu cầu của khách hàng tiềm năng cũng như phân tích đối thủ cạnh tranh.”
}
},{
“@type”: “Question”,
“name”: “Nghiên cứu thị trường gồm bao nhiêu bước?”,
“acceptedAnswer”: {
“@type”: “Answer”,
“text”: “Nghiên cứu thị trường gồm 4 bước cơ bản: Bước 1: Xác định mục tiêu kinh doanh và mục tiêu nghiên cứu của doanh nghiệp. Bước 2: Lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp. Bước 3: Thiết kế bảng câu hỏi. Bước 4: Thu thập thông tin. Bước 5: Tổng hợp và phân tích dữ liệu thu thập được.”
}
}] }

 

Nghiên cứu thị trường là một phần không thể thiếu trong các dịch vụ Marketing Online của GOBRANDING, đăng ký nhận tư vấn ngay.

Nhận tư vấn ngay!

Vui lòng check để đảm bảo thông tin ở trên là chính xác.
4.0 / 5 - (126 bình chọn)
profile profile hotline hotline